Từ chối đăng kiểm vì lỗi Phạt Nguội: Đúng hay sai?
Thời gian qua, hàng nghìn chủ xe ôtô bị cơ quan đăng kiểm từ chối vì lý do chưa nộp phạt do lỗi “phạt nguội” vi phạm Luật Giao Thông
Nghe chi tiết tại đây:
Hàng nghìn chủ xe bị cơ quan đăng kiểm từ chối vì chưa nộp phí "phạt nguội"
Thời gian qua, nhiều chủ xe ô tô ngỡ ngàng khi hết hạn đăng kiểm đã bị các Trung tâm đăng kiểm tại các địa phương từ chối phục vụ. Lý do chủ yếu là do không nộp phạt khi vi phạm giao thông và có cả những người ngại làm thủ tục sang tên, chuyển chủ mặc dù đang sở hữu phương tiện. Theo quy định, khi các phương tiện này đã vi phạm luật an toàn giao thông được camera ghi lại, cảnh sát gửi giấy thông báo về nơi cư trú.
Tuy nhiên, nhiều chủ xe không nhận được phiếu báo do đổi địa chỉ cư trú, hoặc đăng ký xe tại một địa điểm và ở một địa điểm khác và chậm nộp tiền phạt. Cũng có nhiều chủ xe cố tình không nộp phạt. Vì vậy, hàng chục nghìn chủ xe bị từ chối đăng kiểm vì chưa nộp phạt nguội trong đó không ít người chỉ biết khi mang xe đi đăng kiểm.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT cho biết: Việc dừng tiếp nhận kiểm định các phương tiện sẽ giúp cơ quan chức năng nâng hiệu quả xử lý đối với tài xế vi phạm Luật GTĐB. Theo ông Nhật, việc gửi văn bản đến cơ quan đăng kiểm thường rơi vào các trường hợp phương tiện bị phạt nguội, và các trường hợp này cũng khó xác minh được chủ phương tiện do quá trình sang tên đổi chủ nhiều lần hoặc chủ phương tiện thay đổi chỗ ở.
Do vậy, việc phối hợp với cơ quan đăng kiểm sẽ góp phần nâng cao hiệu lực xử lý của cơ quan chức năng. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nói: “Thời gian qua, việc triển khai hệ thống camera giám sát đã thể hiện được tính ưu việt trong việc bao quát, phát hiện các hành vi vi phạm về TTATGT tại mọi thời điểm. Tuy nhiên, hiện nay công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc lực lượng CSGT kết hợp với các cơ quan chức năng trong đó có cơ quan đăng kiểm giám sát, quản lý và buộc lái xe vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi vi phạm”.
Ở một góc nhìn khác, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng: Việc xử lý người vi phạm an toàn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, việc từ chối kiểm định phương tiện chậm nộp phạt nguội của Cục Đăng kiểm Việt Nam là chưa hợp lý.
Theo quy trình, khi phát hiện phương tiện vi phạm qua thiết bị khoa học công nghệ như camera, máy đo tốc độ, lực lượng tuần tra sẽ trích xuất biển số xe, gửi kèm thông báo về công an địa phương, nơi phương tiện được đăng ký để báo cho chủ xe đi nộp phạt. Còn chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam là kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp phép cho phương tiện được lưu hành.
Từ chối đăng kiểm khi chủ xe chưa nộp phạt nguội là trái pháp luật - Ảnh:VnExpress
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Phạm Thành Tài – GĐ Cty Luật Phạm Danh – Đoàn LSHN cho biết: “phạt nguội” là hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng hình thức xử phạt này không được thực hiện cùng thời điểm vi phạm, khác với việc “phạt nóng” là việc xử phạt được thực hiện cùng thời điểm vi phạm.
Hiện nay có rất nhiều phương tiện bị áp dụng hình thức “phạt nguội”, không tự nguyện thi hành nên đã không được đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định. Việc làm này của đơn vị đăng kiểm là chưa phù hợp với luật định. LS Phạm Thành Tài phân tích:
“Theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hai trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, đó là trường hợp xe cơ giới “Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng” và trường hợp xe cơ giới “Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm”. Không có trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì lý do chưa nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ. Giả sử có văn bản nào đó quy định về sự phối hợp giữa các đơn vị cảnh sát giao thông và cơ quan kiểm định, thì đó cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung”.
Đề cập giải pháp để hạn chế tình trạng người dân khi đi đăng kiểm mới biết bị chặn, theo Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN), tới đây cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phương tiện, trong đó có phương tiện thuộc diện bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Từ cơ sở trên, không chỉ các đơn vị đăng kiểm mà các lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông ở địa bàn khác, khi phát hiện các trường hợp trên sẽ áp dụng các biện pháp để cưỡng chế chấp hành quyết định xử phạt, tạo hiệu quả hơn trong xử lý vi phạm.
Theo như trao đổi với báo chí, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các chủ xe có thể gọi vào đường dây nóng 02437684706 để được giải đáp thông tin liên quan tới việc xe có trong danh sách bị từ chối đăng kiểm hay không.
Để thuận lợi cho người dân, Cục Đăng kiểm đã yêu cầu các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc củng cố bộ phận tiếp nhận thông tin và thông báo tình trạng phương tiện khi khách hàng đề nghị hỗ trợ. Nếu phương tiện có cảnh báo vi phạm, đơn vị đăng kiểm thông báo cụ thể, để chủ xe, lái xe đi xử lý trước khi đưa xe đi kiểm định.
Tin tức khác
- Nâng hạng bằng lái xe Ô Tô
- Bằng lái xe Hạng F
- Bằng lái xe hạng E
- Bằng lái xe hạng D
- Bằng lái xe hạng C
- Bằng lái xe hạng B2 chạy được xe gì
- Bằng lái xe hạng B2 chạy được xe tải bao nhiêu tấn
- Học bằng lái xe Ô Tô 4 bánh mất bao lâu?
- Biển trắng là gì? Những quy định cần biết nếu không muốn bị phạt
- Biển vàng là gì? Quy định dành riêng cho xe kinh doanh vận tải