Đặc biệt, cách giải thích của Bộ Tài chính là chưa công bằng vì chỉ đứng về phía nhà nước, chưa đứng về doanh nghiệp, người dân tiêu dùng xăng dầu.
Theo ông, thuế là công cụ quan trọng để tăng nguồn thu bảo vệ môi trường nhưng không phải là công cụ duy nhất. Cùng với thuế, cần xem xét các công cụ khác với những chế tài xử phạt thật nặng tay với các hành vi gây tổn hại đến môi trường.
Hơn nữa, xăng dầu là vật tư chiến lược, đầu vào quan trọng tác động tới nhiều mặt của nền kinh tế như an ninh quốc phòng, sản xuất, đời sống, tiêu dùng, đặc biệt là lạm phát.
“Hiện nay khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp yếu, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường, chi phí đầu vào tăng, làm giảm hiệu quả, cạnh tranh của doanh nghiệp. Nguồn thu thuế sẽ ít đi vì thế sẽ lợi bất cập hại”, ông nói.
Ông cho biết, hiện nay thế giới ít khi tính thuế bằng cách tính tuyệt đối mà thường bằng tỷ lệ phần trăm. Ví dụ như thuế nhập khẩu trên giá, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Nên cách tính thuế môi trường bằng bằng số tiền tuyệt đối, ví dụ 1.000-4.000 sẽ gây bất lợi, không công bằng cho người tiêu dùng.
Còn lập luận đánh thuế môi trường tăng vì giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… là chỉ so sánh một phía.
“Tại sao Indonesia và Malaysia giá xăng thấp hơn ta thì ông không so. Hay như Mỹ là nước có thu nhập cao nhưng giá xăng của họ thấp hơn của mình. Cách đánh giá của Bộ Tài chính là không công bằng”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Hơn nữa, không công bằng ở chỗ, khi so sánh giá cao, thấp nhưng Bộ Tài chính không so sánh giá xăng dầu trên mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam.
Mặc dù đại diện Bộ Tài chính khẳng định, giá xăng sẽ không bị ảnh hưởng khi nâng khung thuế bảo vệ môi trường, nhưng theo chuyên gia Ngô Trí Long “điều này là vô lý”.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, thuế là một yếu tố cấu thành nên giá, thuế tăng thì giá tăng. Điều này đã minh chứng, trước đây khi thuế nhập khẩu xăng dầu điều chỉnh từ 1.000 lên 3.000 đồng, Bộ Tài chính khẳng định với mức tăng lên 3000 (tăng 30%), giá không tăng. Nhưng khi áp dụng từ 1/5 thì giá xăng tăng.
“Vì thế nói tăng khung thuế bảo vệ môi trường nhưng giá không tăng thì nghe không thuyết phục”, ông nói.
Theo ông, trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn, cần phải tái cơ cấu thu, chi. Kinh nghiệm của các nước, người ta rất nghiêm khắc khi xử lý thu từ thuế bảo vệ môi trường, quốc hội giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm.
Trước đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng Bộ Tài chính không thể so sánh với những nước có giá xăng thấp để làm căn cứ tăng giá xăng dầu bởi mỗi nước có mức sống, điều kiện khác nhau, chính sách khác nhau.
“Nâng mức kịch khung lên 8.000 đồng/lít là quá cao.Thuế môi trường xăng dầu nếu tăng lên 8.000 là sẽ tăng 30%. Ngoài thuế bảo vệ môi trường còn những loại thuế khác thì ông tính thế nào, nó sẽ lên bao nhiêu % nữa”, ông nói.
Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, cơ cấu nguồn thu phải gắn liền với cơ cấu nguồn chi chứ không phải cứ thêm chỗ này tí, chỗ kia tí. Chi mới là quan trọng, thu càng nhiều thì chi càng nhiều, thiếu chi lại nghĩ đến thu. Do đó phải giảm chi xuống để tăng thu hợp lý.
Ông cho rằng, lợi ích quốc gia phải phù hợp với lợi ích của người dân. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Lợi ích quốc gia chính là chỗ đó, chứ không phải chỉ tính nguồn thu ngân sách. Lợi ích nọ phải gắn với lợi ích kia, có lợi ích này mới có lợi ích kia nên cần phải xem xét thật kỹ, không thể cứ tăng ào ào được.
Quan trọng nữa chính là vấn đề minh bạch: "Hiện nay thu thuế từ bảo vệ môi trường đã được chi như thế nào? Nếu đánh vào thuế để bảo vệ môi trường thì thực sự phải bảo vệ môi trường. Như Hà Nội, đã sử dụng bao nhiêu từ thuế môi trường để bảo vệ không khí. Không phải với người dân ông nói thế nào cũng được", ông nhấn mạnh.