BOT và nguyên lý Bóc Bánh Trả Tiền
Người dân, với tư cách người mua hàng họ chỉ cần biết đến một nguyên lý tối cao mà vô cùng dễ hiểu, được dân gian diễn đạt là: “Bóc bánh trả tiền”. Theo đó, người không đi đường BOT thì không phải trả tiền; hoặc đi tuyến nào trả tiền tuyến đó. Không thể có chuyện “bóc” một cái bánh mà phải trả tiền 3, 4 hoặc 5 cái. Càng không thể chấp nhận không “bóc” một cái nào mà cũng phải trả cho tất cả bánh người bán bày ra trong mẹt!
Không ai không thừa nhận sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây. Và, người ta cũng dễ dàng nhận thấy một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển ngoạn mục đó là các dự án BOT. Thế nhưng, chính những dự án BOT đang đặt ra những vấn đề ngày càng bức xúc, đòi hỏi cần phải có những chủ trương và giải pháp quản lý hợp lí và minh bạch, mới có thể đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của nhà đầu tư và của nhà nước. Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay chính là vấn đề “đặt nhầm chỗ” các trạm thu phí BOT. Theo một quan chức ngành Giao thông cho biết hiện nay trên toàn quốc ít nhất đang có năm trạm thu phí BOT được/bị đặt nhầm chỗ, mà Trạm thu phí Cầu Bến Thủy là một trong những số đó. Ở tất cả các trạm thu phí được cho là “đặt nhầm chỗ” người tham gia giao thông đều có những hình thức và mức độ phản ứng khác nhau, nhưng “Bến Thủy” chắc chắn là “từ khóa” nóng nhất mấy tháng qua.
Trạm thu phí Cầu Bến Thủy vốn được xây dựng để thu phí qua cầu này, sau khi cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1990. Năm 2005 sau khi dự án đường tránh Vinh được xây dựng theo hình thức BOT, trạm này được phép “kiêm” luôn chức năng thu phí cho đoạn đường tránh Vinh. Mâu thuẫn đã bắt đầu từ đó. Ngay từ những năm đó nhân dân hai phía cầu Bến Thủy đã bất bình và phản ứng. Giải pháp “vé tháng”, “vé quý” cho người dân hai đầu cầu có giảm hơn vé lượt đã được thực thi. Mặc dù chưa thật hợp lý, nhưng do giá vé khi đó cũng chưa thật cao (từ 15 – 20.000đ/ lượt), nên người dân tạm chấp nhận. Gần mười năm, tuy vẫn “ấm ức”, nhưng người dân cũng không có phản ứng gì đáng kể.
Câu chuyện nóng dần lên, khi trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1 và sau đó là trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 được kiêm thêm nhiệm vụ thu phí cho các công trình BOT khác được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, theo đó giá vé cũng nâng lên từ 40 đến hơn 50.000 đồng/ lượt tùy theo loại xe. Rõ ràng chi phí cho việc qua lại cầu Bến Thủy đã thực sự trở thành một gánh nặng cho người dân và những doanh nghiệp do mưu sinh phải thường xuyên qua lại trên đoạn đường này. Đó là chưa kể hàng nghìn người dân và phương tiện phải tiếp tục trả tiền cho những đoạn đường BOT mà họ không hề đi một mét nào!
Sau khi bị phê bình, chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã ký văn bản, theo đó chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đối với các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của người dân có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc các khu vực: TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Thế nhưng việc “giảm sâu” giá vé đã không thu được kết quả như nhà đầu tư và các nhà quản lý mong muốn. Mặc cho chủ trương đó được nhà đầu tư khẩn trương triển khai, nhưng người dân lại có vẻ không mấy quan tâm. Họ lại phản ứng bằng một hình thức cao hơn, có tổ chức hơn, đó là ký đơn tập thể, đề nghị di dời trạm thu phí hoặc có giải pháp phù hợp để không thu nhầm đối tượng.
Không ai không thừa nhận cái khó của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý khi chọn địa điểm để đặt trạm thu phí trong trường hợp các tuyến đường BOT ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Thế nhưng, đặt ở đâu, thu phí bằng cách nào cho hợp lý là việc của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Người dân, với tư cách người mua hàng họ chỉ cần biết đến một nguyên lý tối cao mà vô cùng dễ hiểu, được dân gian diễn đạt là: “Bóc bánh trả tiền”. Theo đó, người không đi đường BOT thì không phải trả tiền; hoặc đi tuyến nào trả tiền tuyến đó. Không thể có chuyện “bóc” một cái bánh mà phải trả tiền 3, 4 hoặc 5 cái. Càng không thể chấp nhận không “bóc” một cái nào mà cũng phải trả cho tất cả bánh người bán bày ra trong mẹt!
Nếu ngay từ đầu, nhà đầu tư và các nhà quản lý tư duy và giải quyết bài toán theo hướng đó, chứ không phải theo hướng “cò kè bớt một thêm hai” thì tình hình đã không diễn biến xấu như những ngày qua. Tuy nhiên, việc tốt thì không bao giờ là muộn, bây giờ cũng chưa muộn để tái khởi động một phương án di dời trạm thu phí, hoặc một giải pháp thu phí mới để khắc phục tình trạng trạm thu “đặt nhầm chỗ”, dẫn đến tình trạng “bóc’ bánh ít trả tiền nhiều, thậm chí không “bóc” bánh vẫn phải trả tiền như những năm qua. Cũng cần nhắc lại rằng câu chuyện phi lý này không phải mới xẩy ra ngày một ngày hai, mà đã diễn ra mười hai năm có lẻ; cũng không phải chỉ có ở Bến Thủy, mà còn có ở một số không ít các trạm thu phí khác. Hãy tạm gác sang một bên câu chuyện “lợi ích nhóm” mà dư luận vẫn xầm xì khi điểm danh các dự án BOT giao thông gần đây, chỉ quan tâm đến sự khó khăn của việc di dời trạm thu phí, thi dù cho khó đến mấy cũng có thể giải quyết được. Không nên và không thể vin vào khó khăn trong việc chọn địa điểm đặt trạm để lại tiếp tục thu phí một cách phi lý.
Không ai mong muốn và chính người dân cũng không muốn sử dụng “liệu pháp tiền lẻ” cũng như các hình thức phản ứng khác có thể gây ách tắc giao thông, nhưng cũng cần đặt câu hỏi: Nếu dân không phản ứng đến mức như vậy liệu nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có chịu “động đậy” không? Cực chẳng đã mà người dân phải làm vậy!
Nhà đầu tư và các cơ quan quản lý cũng nên lưu ý một điều: Trong “liệu pháp tiền lẻ” mà người dân dùng để phản ứng gần đây phải chăng có một thông điệp đơn giản: Hãy đừng tiếp tục móc túi dân, dù chỉ là những đồng tiền lẻ!
Nguồn: Dân Trí
Tin tức khác
- Xe van 1000kg
- 7 MẪU XE TẢI VAN 5 CHỖ ĐÁNG SỞ HỮU NHẤT HIỆN NAY
- Top 5 điểm nổi bật của xe tải Tera Star
- TỰ TIN ĐÓN NGÂU – ƯU ĐÃI SIÊU NGẦU KHI MUA XE TERACO TRONG THÁNG 8/2024
- CUỘC THI ẢNH “10.000 XE TERA100 – TỰ HÀO ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN”
- DAEHAN MOTORS KỈ NIỆM HÀNH TRÌNH 10.000 XE TERA100 TẠI VIỆT NAM
- CHÍNH SÁCH BẢO HÀNH – BẢO DƯỠNG DÀNH CHO TẤT CẢ KHÁCH HÀNG KHI MUA XE TERACO
- DAEHAN MOTORS TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI LỚN CHO KHÁCH HÀNG MUA XE TERACO TRONG THÁNG 6/2024
- TERA STAR - XE TẢI NHẸ 1 TẤN MỚI CỦA DAEHAN MOTORS
- NHẬN “MƯA VÀNG ƯU ĐÃI” KHI MUA XE TERACO TRONG THÁNG 5/2024