Trường hợp nào CSGT được cẩu xe về trụ sở?

27-03-2017 08:55:37 | Người đăng: ÔTô An Phước

Chiến dịch đòi lại vỉa hè: Tài xế cần nên biết trường hợp nào CSGT được cẩu xe về trụ sở? và tại sao muốn chạy xe mình về trụ sở lại bị từ chối ?

Trường hợp nào CSGT được cẩu xe về trụ sở?
Căn cứ Luật giao thông đường bộ, Nghị định 46/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định, chủ phương tiện sẽ bị CSGT cẩu xe về trụ sở trong 3 trường hợp sau đây:

​Trường hợp thứ nhất: khi chủ phương tiện, dừng đỗ xe không đúng quy định, không chấp hành quy tắc giao thông, đỗ xe ở nơi giao nhau với đường sắt, che khuất họng nước cứu hỏa... gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Khi không có mặt của chủ phương tiện, cảnh sát giao thông phải xin chữ ký của nhân chứng, lập biên bản tạm giữ phương tiện, đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm., sau đó thông báo, mời chủ phương tiện lên giải quyết.
 

Trường hợp thứ hai: nếu cơ quan chức năng phát hiện phương tiện vi phạm mà chủ phương tiện cố tình cố thủ trên xe, không xuất trình giấy tờ, không xuống xe, gây nguy hiểm và ùn tắc giao thông, CSGT buộc phải lập biên bản tạm giữ và đưa phương tiện về trụ sở giải quyết.
 

Trường hợp thứ ba: khi phát hiện phương tiện không đủ các yếu tố kỹ thuật để lưu thông như hệ thống phanh hỏng, nổ lốp... hoặc quá niên hạn sử dụng, cảnh sát bắt buộc phải di chuyển khỏi đường giao thông để tránh ùn tắc và ảnh hưởng đến các phương tiện khác.


Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn luật sư TP HCM, để có cái nhìn khách quan hơn trên cơ sở quy định phát luật.

Luật sư Thạch Thảo


Mặc dù rất đồng tình với việc làm của UBND quận 1 nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung trong “chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhưng vị luật sư cũng bày tỏ nhiều quan điểm khác dựa trên các quy định của pháp luật và cho rằng việc xử lý cũng tùy vào hoàn cảnh và trường hợp.

Ngoài ra, vị luật sư này cũng đặt ra một câu hỏi rằng, mức phí cẩu xe trong nội thành TP HCM như trường hợp trên được căn cứ trên tiêu chí nào. Số tiền người vi phạm phải chịu là đóng cho ai, ai là người được thừa hưởng số đó. Đồng thời có sự thỏa thuận nào giữa người vi phạm với cơ quan chức năng về mức phí cẩu xe hay không.
 

Giải đáp thắc mắc về mức phí 900.000 tiền cẩu xe, chúng tôi đã liên hệ Ban chỉ huy Đội CSGT quận 1. Theo đó, lãnh đạo đơn vị này cho biết, con số đó là do đơn vị thực hiện cẩu xe đưa ra. Cảnh sát giao thông chỉ thực hiện việc lập biên bản và xử phạt về hành vi vi phạm chứ không quan tâm đến mức giá mà phía bên cẩu xe đưa ra.
 

“Chúng tôi chỉ có trách nhiệm lập biên bản để xử phạt vi phạm, còn về giá cẩu xe là do công ty cứu hộ xe cơ giới đưa ra và đều có hóa đơn đỏ. Mọi trường hợp cẩu xe vi phạm trong thời gian qua tại quận 1 đều có mức 900.000 đồng. Về phía CSGT, chúng tôi không nắm được việc có hợp đồng hay không giữa UBND và đơn vị cứu hộ xe trong việc cẩu xe vi phạm”, Ban chỉ huy Đội CSGT quận 1 thông tin.
 

Giải thích cho việc tại sao không có sự thỏa thuận giữa đơn vị cẩu xe với người vi phạm về mức phí, đại diện BCH Đội CSGT quận 1 cho rằng, khi lực lượng chức năng phát hiện vi phạm, có mặt để lập biên bản xử phạt thì hầu hết chủ xe vắng mặt nên phải cho cẩu xe về mà không có được sự thỏa thuận.
 

“Mức giá cẩu xe, đã nhiều lần gây rắc rối cho công tác xử phạt của chúng tôi. Sắp tới chúng tôi sẽ có những kiến nghị lên quận để tìm ra giải pháp cho việc này, làm cho người dân thoải mái và chúng tôi cũng được thoải mái”, vị đại diện BCH Đội CSGT quận 1 kết luận.
 


Theo VNM - PL.XH