CSGT nghĩ gì khi bị cho là tham nhũng nhiều nhất?

22-06-2017 15:42:28 | Người đăng: ÔTô An Phước

Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Họp báo công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.

Báo cáo đánh giá bốn ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - đường sắt cho rằng kết luận ngành CSGT tham nhũng nhiều nhất là không đúng, đó chỉ là tiêu cực.
 
 CSGT nghĩ gì khi bị cho là tham nhũng nhiều nhất?
CSGT là nghề nhiều cám dỗ. Ảnh: minh họa
 
“Cần phải xét trên nhiều góc độ”
 
Trao đổi với phóng viên VTC News về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng, ngoài những thành tích đạt được, ngành CSGT vẫn còn có tiêu cực nhưng đánh giá CSGT là một trong những ngành xảy ra tệ nạn tham nhũng lớn nhất thì cần phải xem xét lại trên nhiều khía cạnh.
 
Trong khi đó, tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Công an Nhân dân tổ chức về nghị định 71/2012/NĐ-CP, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An không đồng tình với kết luận đó.
 
Theo ông Tuyến, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
 
Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng: “Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn”.
 
Cũng trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Lê Đức Đoàn không mấy bất ngờ với kết quả cuộc khảo sát này, đặc biệt khi mà lực lượng CSGT được các ý kiến đánh giá là ngành có nhiều tham nhũng nhất. Tuy nhiên, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, “Tiêu cực hay không tiêu cực, ở bất kì cơ quan nào, lĩnh vực nào, bất kì ngành nghề nào, từng lúc, từng nơi vẫn còn những con người gây bức xúc phiền hà cho nhân dân. Cái đó chỉ là “con cá lá rau”, hay nói thẳng ra là những “con sâu” trong ngành, chứ không thể đánh đồng tất cả các chiến sĩ CSGT luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách gương mẫu…”
 
Một CSGT đang làm nhiệm vụ tại Hà Nội cho biết: “Kết quả đánh giá chỉ khảo sát ở một bộ phận nhỏ dân cư và giới hạn ở 10 tỉnh/thành và 5 bộ/ngành trong cả nước nên kết quả này chưa thể là tiếng nói của toàn xã hội, kết quả này cần phải được đánh giá trên nhiều góc độ khác nhau”.
 
Theo vị cảnh sát này, tham nhũng trong lực lượng CSGT cần phải nhìn về phía lực lượng CSGT và cả người dân tham gia giao thông.
 
Trong khi hàng ngàn cảnh sát đang ngày đêm gìn giữ trật tự an toàn giao thông, phân luồng giao thông, giảm ùn tắc, tuần tra kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông… nhiều người đã hy sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ thì có một số khác, tha hóa về phẩm chất, lộng quyền, hách dịch nên sinh ra tham nhũng, số này là “con sâu làm rầu nồi canh”.
 
Vị CSGT này cũng cho rằng, trên thực tế nhiều người dân khi vi phạm đều muốn “xử lý nhanh”, dùng tiền, tài sản để “xin xỏ”… gây khó khăn cho lực lượng khi xử lý, góp phần gây ra nạn tham nhũng.
 
Đồng tình với quan điểm trên, một CSGT khác thuộc lực lượng CSGT thành phố Hà Nội chia sẻ rằng, đúng là trong ngành CSGT có xảy ra hiện tượng tham nhũng nhưng chưa thể so sánh với những ngành khác.
 
“Môi trường làm việc của CSGT vừa hà khắc, vừa nhạy cảm nên dễ nảy sinh nhiều tiêu cực. Tham nhũng xảy ra nhưng cần nhìn trên góc độ khách quan, đa chiều bởi tham nhũng trong lực lượng cũng có người này người khác. Có người giữ được phẩm chất, số ít bị cám dỗ, tham nhũng. Bên cạnh đó, người dân cũng phải nhìn lại mình khi tham gia giao thông và cách xử lý khi vi phạm giao thông rồi hãy có đánh giá khách quan nhất về việc này” – Vị CSGT này nói.
 
Mong người dân theo dõi, giám sát
 
Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, C67 Bộ Công an, trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, sự đồng thuận và ủng hộ của cả hệ thống chính trị, đông đảo tầng lớp nhân dân, Cán bộ chiến sỹ trong lực lượng CSGT không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xuất hiện nhiều tấm gương tốt, việc tốt được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận.
 
Đặc biệt lực lượng CSGT đã thực hiện đề án 1323 tổ chức phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong tuần tra kiếm soát giao thông; quy định tiêu chuẩn đạo đức “3 xây, 3 chống” trong lực lượng CSGT.
 
“3 xây” là xây dựng tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tư thế tác phong chính quy, thái độ nghiêm túc dứt khoát trong khi làm nhiệm vụ, xây dựng quan điểm đúng mực, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
 
“3 chống” là chống nhận mãi lộ, chống bao che, dung túng, bảo kê chó các chủ phương tiện và người vi phạm; chống hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu với nhân dân; chống vô ý thức kỷ luật, vi phạm quy chế, quy trình công tác, lối sống buông thả thực dụng, tác phong không đúng mực và lười nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ.
 
Theo thống kê, từ khi thực hiện đề án, lực lượng đã xử lý kỷ luật 620 trường hợp 620 cán bộ chiến sỹ có sai phạm tiêu cực; trong đó tước danh hiệu Công an nhân dân 44 trường hợp; cách chức, giáng chức 25 trường hợp. Ngoài ra còn kiểm điểm, phê bình, cắt thi đua 223 trường hợp.